Radius: Off
Radius: km
Set radius for geolocation
post-title Kiểm soát tác động tiêu cực của trò chơi điện tử

Kiểm soát tác động tiêu cực của trò chơi điện tử

Kiểm soát tác động tiêu cực của trò chơi điện tử

Kiểm soát tác động tiêu cực của trò chơi điện tử

Những tháng đầu năm 2017, trên địa bàn Hải Phòng liên tiếp xảy ra nhiều vụ trộm cắp, đánh nhau, cướp giật tài sản liên quan đến những người nghiện trò chơi điện tử. Các điểm cung cấp trò chơi điện tử mở ra nhan nhản, lôi kéo người chơi trong đó có không ít học sinh, sinh viên sa vào nghiện ngập, dẫn tới nhiều hệ lụy xấu cho cộng đồng. 

Tại Hải Phòng hiện có hơn 1.000 điểm truy cập internet và cung cấp GO, trong số đó, chỉ có hơn 300 điểm là đại lý của các doanh nghiệp viễn thông.

Những hậu quả đau lòng do nghiện chơi điện tử

Cuối tháng 2-2017, cơ quan Cảnh sát điều tra  Công an quận Lê Chân bắt giữ 4 đối tượng do Đỗ Trường Giang (tức Tùng) ở phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân cầm đầu vì hành vi cướp tài sản. Cả 4 đối tượng đều là nghiện đến mức ăn, ngủ cùng trò chơi điện tử (GO). Sau khi chuyển tài khoản game trên mạng để bán cho một người tên Việt (không rõ lai lịch) nhưng không nhận được tiền, Giang lên mạng tiếp tục rao bán tài khoản game, dụ Việt vào mua để xử lý. Sau khi thoả thuận mua và hẹn Giang tới ngõ 66 phố Nguyễn Tường Loan để giao tiền, Việt lại lừa một lái xe taxi tên Hiệp tới địa chỉ trên gặp Giang nói là để nhận tiền và chuyển đến Bệnh viên đa khoa quận Ngô Quyền cho anh ta. Khi Giang gặp Hiệp, do hiểu nhầm anh Hiệp là em trai của Việt cùng bày trò quỵt tiền mua tài khoản game, cả nhóm của Giang lao vào đánh anh Hiệp tới tấp, đòi anh Hiệp phải trả 5,2 triệu đồng. Quá sợ hãi anh Hiệp cầu cứu đồng nghiệp và thoả thuận trả cho 4 đối tượng này 2,5 triệu đồng mới được chúng tha cho đi bệnh viện khâu vết thương. Trước đó, khoảng đầu tháng 1-2017, công an quận Lê Chân cũng bắt giữ đối tượng Lê Minh Hoàng (21 tuổi, trú tại 25/919 Thiên Lôi, phường Kênh Dương, quận Lê Chân) cùng đồng bọn là thủ phạm gây ra 3 vụ cướp xe máy, xe đạp điện của các thanh thiếu niên mê GO.
Không chỉ lôi kéo người chơi vào con đường trộm cắp, cướp giật, nghiện GO còn huỷ hoại sức khoẻ thể chất và tinh thần của những “con nghiện”.  Bác sĩ Lê Sao Mai, khoa 4 (Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng) chia sẻ, khoa thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân vào điều trị vì  loạn thần, trầm cảm do nghiện GO. Việc điều trị cho các bệnh nhân này hết sức phức tạp, tốn kém do các đối tượng nghiện GO thường kết hợp dùng cả rượu, ma tuý, dẫn đến sức khoẻ thần kinh bị huỷ hoại nghiêm trọng.
Theo Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin quận Lê Chân Vũ Thị Việt Hà, các điểm dịch vụ internet công cộng hiện chủ yếu phục vụ học sinh, sinh viên chơi GO. Nhiều cơ sở được đầu tư nâng cấp quy mô, trang bị điều hòa, bố trí dàn máy khủng với cấu hình cao, chia các khu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người chơi như: khu vực thi đấu, khu vực VIP…

Dàn máy khủng trong quán GO Chiphop.net trên phố Nguyễn Bình hấp dẫn nhiều người mê GO.

Cần quản lý chặt hoạt động các quán GO
Theo Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Văn Tuấn, ngoài những quy định quản lý chung, Sở tham mưu với UBND thành phố ban hành quyết định số 2539/QĐ-UBND ngày 18-11-2014, quy định rõ quyền, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp internet, chủ các điểm dịch vụ cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ngành, đơn vị liên quan. Sở hướng dẫn Phòng Văn hóa – Thông tin các quận, huyện thực hiện các quy định về điều kiện hoạt động của các điểm cung cấp GO; tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các điểm kinh doanh internet, GO.
Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra mới chỉ xem xét việc chấp hành của các điểm kinh doanh về các quy định liên quan tới giấy phép, quy chuẩn phòng ốc, vị trí, các yêu cầu thoát hiểm, PCCC. Việc quản lý về giờ đóng, mở cửa; giới hạn trò chơi theo độ tuổi cũng như tần suất chơi của mỗi cá nhân: hầu như không thực hiện được. Quận Lê Chân được đánh giá là địa phương làm khá tốt công tác thanh tra, kiểm tra đối với các điểm cung cấp dịch vụ internet và GO, nhưng theo Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin Vũ Thị Việt Hà, việc kiểm tra đối với người chơi game gặp nhiều khó khăn vì hiện nay, các điểm kinh doanh GO vẫn gắn kèm với cung cấp dịch vụ internet nên khó có thể giới hạn độ tuổi người chơi, giờ giấc… Vì vậy, tình trạng người chơi say mê GO đến quên ăn, quên ngủ, chơi triền miên, liên tục vẫn rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng giúp các điểm cung cấp GO dễ dàng, thu hút khách hàng là học sinh, sinh viên.
Sở Thông tin và truyền thông đang nghiên cứu, thí điểm việc cài đặt phần mềm quản lý đối với các tài khoản GO. Tuy nhiên, không nhiều điểm kinh doanh hợp tác với phương án này. Trong khi chưa có biện pháp kỹ thuật hữu hiệu, việc hạn chế các tác động tiêu cực của loại hình giải trí này đối với người chơi, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, là trách nhiệm của các bậc cha mẹ và trường học. Các em cần được quản lý, giám sát chặt chẽ, nâng cao nhận thức về tác hại của việc nghiện GO đối với sức khoẻ và việc học tập. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các quán GO để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với cộng đồng.

Trả lời

Loading…